Theo ông Phạm Tuấn Anh, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tích cực, chủ động trong đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do mới với các đối tác. Đến nay, Việt Nam ký kết 11 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Để thực hiện cam kết về thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam và số có hiệu lực đến ngày 31/12/2018. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định thương mại tự do cho giai đoạn 2016 – 2018/2019. Theo tính toán, với việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do này, sẽ có nhiều dòng thuế nhập khẩu cắt giảm về 0%.
Trước lo lắng việc cắt giảm dòng thuế nhập khẩu về 0% sẽ tác động tới thu ngân sách, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, quá trình giảm tỷ trọng thu từ thuế XNK đã diễn ra từ khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới. Vì vậy, tỷ trong thu đã được điều chỉnh trên các thuế ưu đãi, tác động giảm thu chỉ từ 20-25%, nhưng thực tế ưu đãi từ thực hiện các cam kết cũng sẽ tăng lên và tác động tích cực tới nền kinh tế đất nước, tăng cường năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.