Rối loạn tiêu hóa là bệnh rất phổ biến trong những năm tháng đầu đời của trẻ, là hiện tượng cơ vòng trong hệ tiêu hóa bị co thắt bất thường làm trướng bụng, đầy hơi, nôn trớ, tiêu chảy, táo bón, ... lâu dần trẻ sẽ lười ăn, chán ăn dẫn đến sút cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Phụ huynh cần biết rõ nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ thì mới có cách phòng tránh và điều trị phù hợp.
Một số nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ:
Sức đề kháng kém:
Đối với trẻ nhỏ, các cơ quan chức năng trong cơ thể chưa hoàn thiện, hệ miễn dịch còn kém nên trẻ dễ bị nhiễm khuẩn các bệnh: vi khuẩn, vi rút, nấm, ký sinh trùng ...trong đó không loại trừ bệnh rối loạn tiêu hóa.
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý:
Phụ huynh chưa có kinh nghiệm hoặc kiến thức trong việc chăm con, cho trẻ ăn uống không hợp vệ sinh, thức ăn nhiều đường, đạm, dầu mỡ ...) sẽ gây trướng bụng, đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy ...
Do nhiễm khuẩn:
Môi trường sống có vệ sinh kém, ăn thức ăn bị nhiễm khuẩn hay tiếp xúc với vật nuôi, đồ chơi bị nhiễm khuẩn sẽ là điều kiện thuận lợi để trẻ bị lây nhiễm vi khuẩn, giun sán, kí sinh trùng,…. gây rối loạn tiêu hóa.
Dùng thuốc kháng sinh:
Hệ vi sinh có lợi ở đường ruột chưa đủ mạnh để tạo thành hàng rào bảo vệ cơ thể nên trẻ dễ bị vi khuẩn gây bệnh tấn công, khi đó dùng thuốc kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn gây hại mà còn tiêu diệt luôn cả vi khuẩn có lợi, làm mất cân bằng sinh thái đường ruột gây rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như: phân sống, tiêu chảy hoặc táo bón....
Do biến chứng từ bệnh lý:
Khi trẻ mắc các bệnh như viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản,.. sẽ tiết ra nhiều đờm nhưng chưa ý thức được phải khạc nhổ ra ngoài nên trẻ thường nuốt ngược lại nên dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột, gây rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, các bệnh viêm đại tràng, viêm ruột, viêm dạ dày ... cũng là nguyên nhân khiến trẻ đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, chán ăn, kém ăn….
Và đây là một số phương pháp phụ huynh có thể tham khảo khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa:
Đối với trẻ rối loạn tiêu hóa do bệnh lý:
Trường hợp này cần cho trẻ đi khám để điều trị bệnh nguyên (bệnh dẫn đến rối loạn tiêu hóa). Khi bệnh nguyên được điều trị khỏi, đường tiêu hóa cũng sẽ khỏe mạnh thì tình trạng rối loạn tiêu hóa cũng dần chấm dứt.
Đối với rối loạn tiêu hóa do chế độ ăn, chế độ sinh hoạt và thể trạng dẫn đến rối loạn tiêu hóa, cần:
Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý:
Điều chỉnh khẩu phẩn ăn, cách chế biến sao cho phù hợp với độ tuổi và sở thích của trẻ. Bữa ăn của trẻ cần đa dạng, đảm bảo cân bằng 4 nhóm dinh dưỡng gồm: đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất.
Khi trẻ có hiện tượng phân lỏng, cha mẹ nên cho trẻ ăn ít thức ăn chứa dầu mỡ, đồ ăn quá ngọt hoặc quá cay, nhiều đạm. Thay vào đó, bổ sung các chất chứa tinh bột như cơm, mì, khoai tây ...
Cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung nhiều rau xanh, sữa chua, thức ăn mềm, dễ tiêu để hỗ trợ hệ tiêu hóa cho trẻ.
Cần chia nhỏ bữa ăn và ăn nhiều cữ trong ngày, tránh tình trạng con ăn quá no hoặc quá đói. Đồ ăn cần được đun chín kỹ, lựa chọn những loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa cho trẻ ăn.
Giữ vệ sinh sạch sẽ trong ăn uống:
Phụ huynh cần rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến và tập cho bé thói quen rửa tay trước khi ngồi vào bàn ăn.
Chọn thực phẩm tươi sống, cần mua ở những cơ sở uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo an toàn thực phẩm. Rau củ trước khi chế biến cần ngâm nước muối và rửa sạch nhiều lần.
Dùng bổ sung sản phẩm hỗ trợ hệ tiêu hóa của trẻ:
Thị trường hiện nay có rất nhiều loại sản phẩm bổ trợ tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ như: men tiêu hóa, men vi sinh, …hoặc sản phẩm bổ trợ chiết xuất từ dược liệu,
Phụ huynh có thể tham khảo và sử dụng một số dược liệu được lưu truyền về tác dụng chữa rối loạn tiêu hóa như: Trần bì, Chỉ thực – Chỉ xác (quả phơi khô của cây thuộc họ Cam quýt), Gừng, Hoàng kỳ, Lai phụ tử, …. hoặc sản phẩm bổ trợ cho hệ tiêu hóa của trẻ có công thức kết hợp từ các dược liệu trên.
(theo opcpharma.com)