Thạc sĩ Trần Thanh Tùng,Công ty Luật Phúc & Phúc:
Văn phòng thật vẫn đầy tình trạng mua bán hóa đơn
Mô hình “văn phòng ảo” đã xuất hiện từ lâu trên thế giới và tại Việt Nam như một nhu cầu trong tình hình giá thuê văn phòng quá cao như hiện nay. Mô hình này giúp nhiều doanh nghiệp tiết kiệm chi phí thuê văn phòng, tuyển dụng nhân viên tiếp tân, thư ký nhưng vẫn có một văn phòng lịch sự, chuyên nghiệp để tiếp khách. Mô hình này hiệu quả cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoặc cho doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ tại trụ sở của khách hàng.
Về mặt luật pháp, hiện việc thuê và cho thuê lại văn phòng là không trái pháp luật. Do đó, nếu cho rằng việc tồn tại mô hình “văn phòng ảo” sẽ gây trốn thuế, gây ra tình trạng lợi dụng mua bán hóa đơn thì cơ quan quản lý phải chứng minh bằng số liệu thực tế. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng trước đây, tuy mô hình “văn phòng ảo” chưa ra đời thì ở nhiều văn phòng thật vẫn diễn ra tình trạng mua bán hóa đơn, trốn thuế!
Nếu chúng ta vì lo sợ “văn phòng ảo” gây ra khả năng trốn thuế mà từ đó siết quy định về trụ sở đối với mô hình “văn phòng ảo” thì chưa đủ sức thuyết phục và có thể ảnh hưởng đến những doanh nhân chân chính.
Nếu cơ quan quản lý muốn đặt quy định để quản lý thì cần chứng minh bao nhiêu phần trăm trong số các doanh nghiệp có “văn phòng ảo” có vi phạm pháp luật, từ đó đưa ra cách xử lý hợp lý chứ không nên cào bằng hoặc nhìn “văn phòng ảo” toàn một màu đen. Hơn nữa, cần nêu rõ mục đích quản lý và sự cần thiết của việc quản lý này.
Văn phòng “ảo” hay “thật” không quan trọng bằng việc doanh nghiệp hoạt động như thế nào. Do đó, vấn đề cốt lõi là quản lý con người chứ không phải quản lý trụ sở. Mỗi doanh nghiệp đều có người đại diện theo pháp luật và chịu trách nhiệm với cơ quan nhà nước về hoạt động của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nên tìm cách quản lý người đại diện pháp luật hơn là tìm cách quản lý “văn phòng ảo” .đây mới là cách tiếp cận hợp lý.
Một doanh nghiệp thuê “văn phòng ảo”:
Đừng nhìn chúng tôi bằng con mắt ngờ vực!
Tôi vẫn biết cơ quan quản lý hiện nay nhìn doanh nghiệp bằng con mắt ngờ vực! Lo ngại doanh nghiệp trốn thuế, doanh nghiệp mất tích, nợ lương, nợ bảo hiểm... Tuy nhiên, mong rằng cơ quan quản lý chia sẻ với doanh nghiệp. Bản thân tôi từng thuê trụ sở và rất vất vả để duy trì một trụ sở được vài ba năm mà không tăng giá thuê vùn vụt. Khi tôi thuê dịch vụ “văn phòng ảo” thì vừa tiết kiệm, vừa có địa điểm liên lạc lâu dài, vừa đỡ phải làm các thủ tục về đăng ký kinh doanh khi thay đổi địa điểm.
Nếu không cho thuê “văn phòng ảo”, có lẽ tôi cũng sẽ phải nhờ một địa chỉ bất kỳ nào đó, miễn là ổn định để khai báo đó là trụ sở và cũng nhờ địa chỉ này làm nơi nhận thư từ, thông báo thuế...
Nếu cơ quan quản lý lo ngại thì nên kiểm tra, rà soát và đánh giá lại xem doanh nghiệp có “văn phòng ảo” thực hiện pháp luật như thế nào, tỉ lệ vi phạm có cao hơn số doanh nghiệp có “văn phòng thật” hay không.
(Theo Pháp Luật TP)