Bạn biết rất rõ rằng nên tránh xa những “cạm bẫy” nơi công sở bằng mọi giá. Nhưng con người không hoàn hảo, đôi lúc bạn vẫn bị cuốn vào các buổi nói chuyện tầm phào như thì thầm về tình trạng hôn nhân đầy sóng gió của đồng nghiệp hay những giả thiết hoang đường về lý do sếp thường mang tâm trạng tồi tệ. Hầu hết trường hợp, mọi chuyện dường như vô hại cho đến khi bị bắt quả tang.
Chuyện sau đó diễn biến thế nào? Rõ ràng là quá muộn để nhắc nhở bản thân giữ khoảng cách với thói “ngồi lê đôi mách”, bạn đã thực sự tham gia. Vậy xử lý sao cho tốt nhất sau khi bị bắt gặp? Cách giải quyết và kiểm soát thiệt hại sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào đối tượng nghe thấy những lời “khẩu nghiệp” của bạn.
Bạn bị sếp bắt quả tang
Chẳng trách được bạn nếu mỗi chuyện nhắc đến tình huống này thôi cũng khiến tim bạn nhảy ra khỏi lồng ngực. Ít có thứ gì gây bối rối hơn là cấp trên tình cờ nghe thấy bạn buôn chuyện nhảm nhí với các thành viên trong nhóm tại căn tin hay hành lang công sở.
Hãy cứu vãn danh tiếng của mình bắt đầu bằng câu hỏi này: Có chắc sếp đã nghe được cuộc trò chuyện hay không? Hẳn bạn không muốn làm nổi bật hành vi xấu xí của mình nếu không cần thiết. Do đó, trước khi thu hút thêm sự chú ý vào tình huống này, bạn cần quả quyết rằng sếp thực sự đã nhận thấy hành động sai trái của bạn. Nếu tin rằng sếp không nắm bắt toàn bộ nội dung, không nhất thiết phải nói và khiến câu chuyện phức tạp hơn.
Nhưng nếu, không còn nghi ngờ gì nữa, nét mặt chứng tỏ sếp nghe rõ mười mươi lời bạn nói thì cần hành động nhanh nhằm sửa chữa sai lầm! Việc sửa sai tốt hơn nên được thực hiện qua một email trực tiếp cho sếp, chọn lựa này mang lại cảm giác khách quan mà không quá nghiêm trọng. Duy trì cách trò chuyện thoải mái và (không cần phải có một cuộc hẹn) ghé đến bàn làm việc của sếp để bày tỏ vài điều chẳng hạn như: “Tôi muốn bày tỏ sự hối tiếc vì những điều đã nói trong phòng giải lao. Tôi tự thấy ngượng ngừng vì việc làm đó không đúng, và chắc chắn những cuộc bàn tán dạng như thế sẽ không bao giờ xuất hiện từ miệng tôi lần nữa.”
Rất bối rối và khó xử đúng không? Nhưng có thể sếp sẽ ghi nhận lại một điều là bạn đã sẵn sàng để trưởng thành hơn, biết nhận lỗi, chịu trách nhiệm cho sai lầm và sẽ quản lý tốt hành động bản thân trong tương lai.
Bạn bị bắt gặp bởi chính người mình đang nói xấu
Bạn biết không, có một tình huống còn đáng xấu hổ hơn cả việc bị sếp bắt gặp đang “nhiều chuyện” chính là: Bạn tưởng mình với đồng nghiệp thân thiết đang “buôn dưa lê” ở một nơi rất kín kẽ trong khi thực tế cá nhân bị kể xấu đã tình cờ lang thang ngay gần đó. Bị bắt gặp đang làm chuyện xấu luôn không dễ chịu, đặc biệt xấu hổ hơn khi đối tượng bàn tán của bạn lại vô tình nghe hết cuộc trò chuyện này.
Trong một tình huống lý tưởng, bạn có thể hành động ngay lập tức nhằm cứu vãn thể diện và duy trì mối quan hệ. Hãy nhìn vào mắt người đó và nói đôi điều hàm ý: “Tôi rất lấy làm tiếc. Tôi không biết rằng bạn đang ở đây, những điều này cũng không khiến cuộc trò chuyện của chúng tôi trở nên đúng đắn hơn. Đây không phải chuyện của chúng tôi, cũng như tôi không nên bàn tán về nó. Dù biết lời xin lỗi không thể bù đắp hết, nhưng tôi thực lòng xin lỗi vì hiểu rằng bạn đã cảm thấy không dễ chịu khi nghe thấy những lời đó.”
Nếu bạn đã bị chôn chân tại chỗ với trái tim đập thình thịch và quai hàm cứng đơ đến nỗi không thể cất lên lời xin lỗi, những hành động sau đó nhằm thể hiện sự hối lỗi vẫn có ý nghĩa. Hãy bày tỏ những nội dung tương tự như trên. Có thể gặp mặt trực tiếp hoặc gửi email cá nhân, tuỳ thuộc vào sự đánh giá mức độ của bạn.
Nên lường trước rằng bạn đã gây thiệt hại cho mối quan hệ của mình. Người đồng nghiệp đó có thể quá nhạy cảm để không dám tin tưởng bạn nữa trong tương lai. Nhưng, nỗ lực xin lỗi và mong muốn hoà bình vẫn đáng để cố gắng.
Bạn bị đồng nghiệp nào đó vô tình nghe thấy
Trong cả ba kịch bản, đây là tình huống ít gây lo lắng nhất. Bị bắt gặp đang “khẩu nghiệp” không phải là ý tưởng hay, nhưng nếu có thể chọn là sếp, là đối tượng bị nói xấu hay là đồng nghiệp ngẫu nhiên nào đó, chắc chắn bạn sẽ chọn một người ít liên quan nhất.
Mặc dù vậy, tình huống này vẫn đáng được lưu tâm. Khi bạn chắc chắn rằng đồng nghiệp đó không thể không nghe những lời thì thầm của mình, tất nhiên phải dừng ngay lập tức. Sau đó, dành thời gian đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình huống. Đó là một người khá dễ tính và vô hại? Tốt hơn hết là kết thúc “họp chợ” và giải tán. Tuy nhiên, nếu cuộc trò chuyện của bạn đặc biệt thô lỗ hoặc không phù hợp? Giống như cách ứng xử với mọi sai lầm phổ biến khác nơi công sở, bạn đừng để mình bị lôi cuốn bởi ý tưởng che giấu hay lấp liếm cái xấu, hãy tự chịu trách nhiệm!
Nếu có thể phản ứng kịp thời, hãy nói vài câu với nội dung như thế này ngay lúc ấy: “Tôi xin lỗi, [Tên Đồng Nghiệp]. Chúng tôi thật không nên nói về chuyện này, vì đây không phải việc của chúng tôi. Rất ngại khi để anh nghe được, có lẽ đây là lời nhắc nhở rằng tôi không nên tiếp diễn những chuyện phiếm tiêu cực như thế này nữa.”
Nếu đồng nghiệp đó đã rời đi trước khi bạn kịp nói lời biện bạch, hãy nắm bắt cơ hội thừa nhận sai lầm trong lần kế tiếp có dịp đứng riêng với đồng nghiệp đó. Có thể nói những câu tương tự như khi bày tỏ sự hối lỗi với sếp.
Những nội dung trên đây được CareerBuilder.vn chia sẻ với hi vọng giúp bạn phần nào thoát khỏi các tình huống xấu hổ, nỗ lực cứu vãn danh dự sau khi bị bắt gặp đang nói xấu người khác và lan truyền những tin đồn không hay. Nhưng không có nghĩa rằng chúng tôi khuyến khích bạn cứ vô tư gây tổn thương người khác rồi đi biện hộ hay chuộc lỗi. Không phải lời xin lỗi nào cũng sẽ được chấp nhận và có thể xoa dịu cảm xúc. Bài học quan trọng nhất bạn nên thuộc nằm lòng chính là phải lập tức bỏ thói xấu này đi. Những câu chuyện “thêm mắm dặm muối” hay bôi xấu người khác nơi công sở tuyệt đối chẳng có giá trị, tốt hết là nghiêm túc tránh xa.
(Nguồn ảnh: Internet)